Pleiku sơ kết 3 năm thực hiện mô hình “Nông hội” trên địa bàn
Sáng ngày 05/10/2022, Thành ủy Pleiku đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện mô hình “Nông hội” trên địa bàn thành phố. Tham dự hội nghị có tập thể Thường trực Thành ủy, đại diện các ban Đảng, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các phòng, ban, đoàn thể TP. Pleiku, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội nông dân 22 xã, phường cùng Ban Chủ nhiệm các Nông hội trên địa bàn.
Đến nay, toàn TP. Pleiku đã xây dựng được 5 mô hình Nông hội với tổng số 215 hội viên tại địa bàn 4 xã: An Phú, Chư Á, Trà Đa và Ia Kênh, chủ yếu sản xuất mía, rau, hoa các loại trên diện tích canh tác 63,5 ha. Việc thành lập mô hình Nông hội đã xây dựng tinh thần hợp tác của người dân, xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt là giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao được trình độ kỹ thuật canh tác, tiếp cận được hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của địa phương để phát triển sản xuất.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận chỉ ra những nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc như: việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Nông hội với doanh nghiệp, Hợp tác xã chưa hiệu quả, các sản phẩm của các thành viên Nông hội khó tìm thị trường tiêu thụ, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái với giá cả bấp bênh, lợi nhuận không cao; các Nông hội còn thiếu vốn sản xuất, chưa có điều kiện để đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như đầu tư máy móc sản xuất, nhà lồng, nhà lưới; thành phố chưa thành lập được mô hình Nông hội về dịch vụ nông nghiệp…
Đồng thời, đề ra những phương hướng trong thời gian tới nhằm tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả mô hình Nông hội trên địa bàn cũng như định hướng phát triển, nhân rộng các mô hình Nông hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản trên tinh thần tự nguyện của cộng đồng, dân cư, tự lập, tự chủ nhằm nâng cao thu nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Trịnh Duy Thuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy chính quyền, địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nhất quán về nguyên tắc tổ chức thực hiện, chỉ thị văn bản pháp lệnh của cấp trên, phải tổ chức thực hiện để sơ kết, tổng kết, đề xuất quan điểm đánh giá những việc làm được, chưa làm được. Nâng cao hơn nữa chất lượng, xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm sạch, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ngay trong nông hội, trong các thôn làng, tổ dân phố phải tổ chức giám sát lẫn nhau, phải loại trừ triệt để những trường hợp vì lợi ích cá nhân. Những nơi chưa vào cuộc phải vào cuộc ngay, những nơi chưa quyết tâm, cán bộ nào chưa quyết tâm phải thực hiện quyết tâm chính trị mình cho nó cao để thực hiện chủ trương chính sách, không đổ cho khách quan, không đổ cho khó khăn.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn thành phố tiếp tục ưu tiên tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường và các dịch vụ tư vấn khác; Thực hiện hỗ trợ các thành viên Nông hội tham quan, học tập kinh nghiệm tại các vùng sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao có cùng đối tượng sản xuất, kinh doanh chủ lực của Nông hội; Hỗ trợ các Nông hội tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, đề xuất UBND tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách để hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển như: Chính sách đất đai, chính sách về vốn, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chính sách về công nghệ, chính sách về thị trường và truyền thông.