Chuyển đổi số là thay đổi mang tính chiến lược của một doanh nghiệp từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Hiểu rõ điều đó, các doanh nghiệp trong tỉnh đã dựa trên nền tảng số để thay đổi, thích ứng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bắt nhịp chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đang là xu hướng toàn cầu. Việc này giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả trong khám-chữa bệnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai đã không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ hiện đại. Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu tiếp đón, khám bệnh đến điều trị, hỗ trợ bệnh án và xuất viện, lưu trữ thông tin điều trị bệnh nhân trên hệ thống máy tính. Bệnh nhân đến khám không cần mang theo giấy tờ, đơn thuốc điều trị vì tất cả đều được lưu trữ, bác sĩ có thể dễ dàng truy cập mọi thông tin liên quan đến quá trình điều trị của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng ứng dụng chuyển đổi số trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đặc biệt, thông qua nền tảng số, Bệnh viện còn có thể chăm sóc sức khỏe bệnh nhân từ xa. Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng-Giám đốc Bệnh viện-cho hay: “Chúng tôi sử dụng đồng bộ 2 hệ thống Zalo OA và Fanpage Facebook để bệnh nhân có thể kết nối trực tiếp với bác sĩ điều trị khi có vấn đề, các thắc mắc cần giải đáp và tư vấn. Việc này đang được thực hiện rất thành công, đặc biệt là trong giai đoạn phòng-chống dịch Covid-19, không làm gián đoạn quá trình điều trị của bệnh nhân”.
Lãnh đạo tỉnh và TP. Pleiku tại lễ bàn giao thử nghiệm Dự án Pleiku smart. Ảnh: Quỳnh Trang
Khởi phát từ việc trồng chanh dây rồi tiến tới thu mua, tiêu thụ, giờ đây, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) đã từng bước đưa sản phẩm vươn xa đến các thị trường khó tính như: Pháp, Thụy Sĩ… Hợp tác xã xác định sản phẩm làm ra dù tốt đến đâu nhưng không có kế hoạch để lan tỏa, đưa đến khách hàng thì khó có cơ hội được mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã-chia sẻ: “Với sự giúp đỡ của các ban, ngành, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã quảng bá sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, website, đồng thời tận dụng Zalo, Facebook để tìm kiếm thị trường. Chúng tôi cũng chọn phương thức quản lý dữ liệu sản xuất và truy xuất nguồn gốc từng lô hàng của từng cá thể thành viên, giám sát trực tiếp nhật ký vườn trên phần mềm công nghệ số”.
Quá trình chuyển đổi số đang ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đem lại những hiệu quả rõ nét trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai cho hay: “Chính nhờ làm chủ công nghệ thông tin nên chúng tôi tốn rất ít thời gian về thủ tục, giấy tờ. Từ đó, bác sĩ có thời gian tập trung điều trị, chăm sóc cho người bệnh, đưa chất lượng dịch vụ bệnh viện lên cao hơn, nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số có phần hỗ trợ, đồng hành của các sở, ngành, cơ quan chức năng. Ông Đặng Quang Khanh-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết: “Không nằm ngoài xu thế chung, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Trong đó, phát triển chính quyền số như đầu tàu dẫn dắt chuyển đổi số, kiến tạo thể chế, tạo hành lang pháp lý và định hướng để chuyển đổi số trong các lĩnh vực theo đúng xu thế, phát triển mạnh mẽ”.
VNPT Gia Lai ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Theo ông Khanh, ngoài các nghị quyết, kế hoạch, chương trình do Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành, nhiều ngành cũng đã có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức tập huấn “Thương mại điện tử-Cơ hội bứt tốc cho doanh nghiệp Gia Lai thời kỳ hậu Covid-19” cho 180 doanh nghiệp, hợp tác xã. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng các website, phần mềm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh để giới thiệu, mua bán sản phẩm hàng hóa (đã hỗ trợ 180 website và phần mềm).
Các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã hướng dẫn 2.500 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, 100% sản phẩm OCOP đã được hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tiêu chuẩn quốc gia. Ngành Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ số, lựa chọn một số doanh nghiệp để triển khai các nội dung chuyển đổi số trong các đề tài, dự án khoa học công nghệ về xây dựng các mô hình nâng cao năng suất, chất lượng.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso (Viettel) và VNPost của Bưu điện. Bưu điện tỉnh cũng đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nông dân, hợp tác xã chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có 500 sản phẩm, trong đó có hơn 72 sản phẩm OCOP được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử này với hơn 5.022 giao dịch, doanh thu gần 1 tỷ đồng.
Agribank Đông Gia Lai hướng tới mục tiêu trao 1.500 mã VietQR cho khách hàng vào cuối năm 2022. Ảnh: Sơn Ca
Có thể thấy, chuyển đổi số đúng hướng, đúng lộ trình sẽ giúp cải thiện sự nhanh nhạy của doanh nghiệp và tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng xác định chuyển đổi số là quá trình bền bỉ, lâu dài và không ngừng đổi mới sáng tạo. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai bày tỏ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực hơn trong việc tìm hiểu các bộ công cụ, phần mềm đánh giá mức độ chuyển đổi số cũng như nỗ lực hơn trong việc tối ưu hóa các quy trình sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số được cung cấp nhằm mở rộng, tìm kiếm thị trường phù hợp và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng”.
Cùng với việc thay đổi nhận thức, tư duy và quyết tâm của doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành trong công cuộc chuyển đổi số. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: Để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số hiệu quả, theo Chương trình hành động số 921 ngày 12-5-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn 2030, các ngành, địa phương liên quan đều được giao triển khai các nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ, nội dung, giải pháp liên quan đến phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.